Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

Bức xúc...

QUYỀN LỰC NHÂN DÂN TRƯỚC QUỐC NẠN THAM NHŨNG VÀ TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC
********http://www.dddcvn.org/*******
THAM NHŨNG LÀ TỘI ÁC, PHẢI DIỆT TRỪ. HÃY CÙNG NHAU GÓP Ý KIẾN CHO CÔNG CUỘC DIỆT TRỪ QUỐC NẠN THAM NHŨNG TẠI VIỆT NAM.
(Kỷ niệm 2 năm ngày thành lập HNDVNCTN - Do Các Cựu Chiến Binh Và Sinh Viên Biên Soạn)
Tương lai của đất nước không thể tùy thuộc vào quyết định của một cá nhân, một nhóm người hay một đoàn thể. Đảng và Nhà nước không có quyền tự quyết định cho tương lai của đất nước nếu không có sự ưng thuận của đại đa số nhân dân. Thế nhưng trên thực tế thì từ bấy lâu nay tại Việt Nam Đảng và Nhà nước đã tự quyết định mọi vấn đề trong xã hội một cách độc đoán, bất chấp cả công lý, pháp lý và đạo lý. Chính vì thế mà Đảng và Nhà nước đã gây ra nhiều vấn đề tai hại trầm trọng, làm nhức nhối cả xã hội và để lại cho tương lai của đất nước những hậu quả không lường. Điển hình của sự việc nêu trên là vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng. Hai vấn đề này đã và đang gây hại trầm trọng cho đất nước. Vấn đề tham nhũng là tội ác, do các cán bộ Đảng và Nhà nước gây ra thì không có gì là khó hiểu, nhưng chống tham nhũng mà cũng gây tội ác không kém gì nạn tham nhũng thì đây mới là vấn đề khó hiểu. Tại sao lại như thế? Vì Đảng và Nhà nước chủ trương giành độc quyền chống tham nhũng mà đã dẫn đến tình trạng trù dập dân, bắt người trái phép tràn lan. Đây là tội ác chụp mũ, khủng bố, tù đày người dân, những người thật sự đấu tranh chống tham nhũng. Vấn đề này đã làm cho rất nhiều người nảy sinh ra nhiều câu hỏi về Đảng và Nhà nước. Một câu hỏi đang lan tràn khắp nơi hiện nay là:
ÐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CHỐNG THAM NHŨNG HAY CHỦ TRƯƠNG NUÔI DƯỠNG THAM NHŨNG?
Câu hỏi hiện nay là Đảng và Nhà nước chống tham nhũng hay chủ trương nuôi dưỡng tham nhũng, chứ không hỏi là các cán bộ Đảng và Nhà nước có tham nhũng hay không. Vì Ðảng và Nhà nước đã thừa nhận nạn tham nhũng đang là quốc nạn tại Việt Nam và thủ phạm của tệ tham nhũng chính là các cán bộ đảng viên của Đảng trong Nhà nước. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, vì thủ phạm của nạn tham nhũng mà hô hào chống tham nhũng và lại giành quyền chống tham nhũng độc quyền. Thế thì sự thật về tình trạng tham nhũng và vấn đề chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước như thế nào? Chúng ta phải công tâm, nhìn vào thực tế và dựa vào cụ thể thì mới có kết luận chính xác. Sau đây là những chứng cứ đã dẫn đến kết luận ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐÃ KHÔNG THẬT SỰ CHỐNG THAM NHŨNG. Và vấn đề không thật sự chống tham nhũng đã là một CHỦ TRƯƠNG của Đảng và Nhà nước. Nếu chống tham nhũng thì Đảng và Nhà nước đã dân chủ hóa đất nước, vì dân chủ hóa đất nước là giải pháp cơ bản nhất mà chính phủ nào cũng phải biết. Dân chủ hóa đất nước có nghĩa là Ðảng và Nhà nước phải để cho đất nước có bầu cử tự do và công bằng; Ðảng phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và Nhà nước phải có pháp luật công minh; cả Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do báo chí của nhân dân. Những giải pháp đó Đảng và Nhà nước đã nói đến rất nhiều, nhưng Đảng và Nhà nước chưa bao giờ thực hiện đúng!!! Nếu chống tham nhũng thì Ðảng và Nhà nước đã chấp thuận cho Hội Nhân Dân Việt Nam Ủng Hộ Ðảng Và Nhà Nước Chống Tham Nhũng được tự do hoạt động. Nếu chống tham nhũng thì Đảng và Nhà nước đã không lén lút trấn áp hay chụp mũ, bắt bớ, tù đày những người đấu tranh chống tham nhũng. Cụ thể điển hình là trường hợp của Đại tá Phạm Quế Dương và Giáo sư Trần Khuê. Đây là hai nhân sĩ kiên quyết chống tham nhũng đang bị Đảng và Nhà nước giam cầm hiện nay. Sau đây là những luận chứng đã dẫn đến kết luận ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC CHỦ TRƯƠNG NUÔI DƯỠNG THAM NHŨNG. Và chủ trương nuôi dưỡng tham nhũng đã trở thành chính sách “NGẦM” của Đảng và Nhà nước. Vấn đề giành độc quyền chống tham nhũng: Nếu Đảng và Nhà nước không chủ trương nuôi dưỡng tham nhũng thì Đảng và Nhà nước đã không giành giữ độc quyền chống tham nhũng. Vấn đề “giành chống tham nhũng độc quyền” rõ ràng là việc có lợi trước mắt cho các cán bộ Đảng và Nhà nước. Cho dù vấn đề này chống lại quy luật công bằng xã hội, chống lại luật pháp quốc gia, công ước quốc tế, và chống lại ngay cả khẩu hiệu chiến lược “chống độc quyền” của Đảng và Nhà nước. Chỗ sản sinh ra tham nhũng mà giành độc quyền chống tham nhũng thì nạn tham nhũng trở thành quốc nạn là hậu quả đương nhiên. Vấn đề chồng chéo của Đảng trong Nhà nước: Trong chế độ toàn trị thì Đảng là trên hết, Nhà nước chỉ là công cụ của Đảng. Trên thực tế tại Việt Nam thì Đảng là Nhà nước, Nhà nước là Đảng. Giữa Đảng và Nhà nước không có sự cách biệt hay khác biệt. Chính vì thế mà nạn tham nhũng lộng hành. Trong xã hội dân chủ, Đảng phải biệt lập với Nhà nước, công an không thể là một công cụ của Đảng mà công an phải hành sự theo pháp luật của Nhà nước. Nếu Việt Nam là một xã hội dân chủ thì tình trạng tham nhũng như hiện nay sẽ không thể nào xảy ra. Vấn đề chế độ tiền lương không đủ sống: Lương của nhiều công nhân viên nhà nước vẫn còn trên dưới nửa triệu đồng một tháng. Trong khi đó nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống của một gia đình trung bình ở các thành phố còn cao hơn thế nữa. Do đó, cán bộ mà được cầm quyền là cứ việc tìm cách mà cầm tiền vì nếu không tham nhũng thì lấy đâu ra mà sống và nếu bắt hết bọn tham nhũng thì còn ai mà lo việc cho Đảng. Còn lương của các viên chức cao cấp trong chính phủ cũng chưa đến hai triệu đồng một tháng, thế thì làm sao những vị lãnh đạo xuất thân từ giai cấp vô sản đó có được những tài sản và tài khoản hiện nay? Sự thật đã là như vậy, vì thế mà chiến sĩ và nhân dân, nhất là giới trẻ và các cựu chiến binh muốn trình bày sơ lược những ưu tư về quốc nạn tham nhũng hiện nay tại Việt Nam. Những ưu tư sau đây không chỉ là những trăn trở của chiến sĩ và nhân dân mà cũng là những trăn trở của các đảng viên và cán bộ liêm chính:
THAM NHŨNG LÀ MỘT TỘI ÁC CỦA CÁC LÃNH ÐẠO ÐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
Thật đúng như thế, “Tham nhũng là ăn cắp, là đục khoét của nhân dân, là ăn bớt của bộ đội, là tội ác." Ðó là lời tuyên bố của ông Hồ Chí Minh trước đây. Hiện nay, trong bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN, tham nhũng là một tội danh hình sự mà hình phạt cao nhất là tử hình. Thế mà, ở Việt Nam ta nạn tham nhũng giờ này đã hoành hành khắp nước. Cán bộ cả đảng thi đua tham nhũng, toàn dân đang phải cam chịu. Việc các lãnh đạo Ðảng và Nhà nước luôn bào chữa tội tham nhũng là do một bộ phận cán bộ đảng viên trong bộ máy Ðảng và Chính quyền là không hợp lý, vì nếu chỉ có một bộ phận cán bộ Đảng viên tham nhũng thì nạn tham nhũng làm sao có thể trở thành quốc nạn? Không còn nghi ngờ gì nữa - với cơ chế độc đảng, chính sách độc đoán, pháp luật phi công lý của XHCN như thế, đó là những động lực mạnh mẽ đã thúc đẩy các lãnh đạo đảng sa vào đường tội ác. Tình trạng tham nhũng đang diễn ra nghiêm trọng trong hàng ngũ cán bộ Đảng từ trên xuống dưới đã là một tội ác. Nhưng nạn chụp mũ, trấn áp, tù đày những người đấu tranh chống tham nhũng như trường hợp của Ðại tá Phạm Quế Dương và Giáo sư Trần Khuê hiện nay lại là một tội ác nữa. Đây là cụ thể của hành động gây tội ác chồng lên tội ác.
THAM NHŨNG LÀ MỘT NHỨC NHỐI TRONG XÃ HỘI
Tham nhũng là tế bào ung thư trong xã hội. Cần phải chữa trị. Không thể chỉ nói suông. Tham nhũng đã phá hoại biết bao công trình trong xã hội, đã gây nợ vay mượn nước ngoài hàng tỷ tỷ đồng và ngày một chồng chất mà nhân dân và nhiều thế hệ kế tiếp phải gánh trả. Nạn tham nhũng trầm trọng như vậy đã thực sự ngăn chặn sự phát triển của đất nước. Chính nạn tham nhũng đã làm cho nhân dân nghèo, chiến sĩ khổ, sinh viên không tìm được việc làm và giới trẻ vô vọng trước tương lai. Nhưng đời sống của chiến sĩ và nhân dân sẽ còn tệ hơn nữa nếu tình trạng tham nhũng hiện nay không được khắc phục. Nạn tham nhũng đã làm cho khoảng cách giầu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng. Giai cấp giàu có ở Việt Nam hiện nay là giai cấp bà con cán bộ Đảng, giai cấp nghèo khổ nhất nước là giai cấp công nhân, nông dân và bộ đội. Nhưng nhức nhối hơn cả là Ðảng và Nhà nước đang NUÔI DƯỠNG THAM NHŨNG như là một CHỦ TRƯƠNG thay vì phải nghiêm chỉnh diệt trừ tham nhũng như là một nhiệm vụ.
CHO NÊN, CHỐNG THAM NHŨNG ĐANG LÀ MỘT BỨC XÚC CỦA CẢ NƯỚC. Tham nhũng là giặc nội xâm. Phải diệt trừ. Không thể tiếp tục dung túng hay khuất phục. Về phương diện nhận định, người dân lương thiện ai cũng ÐỒNG THUẬN với Ðảng và Nhà nước về hiện trạng tham nhũng tại Việt Nam, như: tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, là ngặn cản sự phát triển của đất nước; tệ tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách cơ bản; phải chống tham nhũng quyết liệt hơn, phải bảo vệ những người kiên quyết chống tham nhũng… Nhưng về phương diện hành động, người dân lương thiện ai cũng KHÔNG ÐỒNG THUẬN với chủ trương chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước như thế. Chính vì vậy mà đã dẫn đến kết luận khẳng định rằng: Ðảng và Nhà nước đã bất lực trong việc chống tham nhũng. DO ĐÓ, CHỐNG THAM NHŨNG BÂY GIỜ LÀ NGHĨA VỤ CỦA TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN. Thế thì cuộc chiến chống giặc nội xâm phải bắt đầu. Một bên nhất quyết đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng, một bên kiên quyết tham nhũng cho đến cùng. LÀ NGƯỜI VIỆT NAM, BẠN CÓ QUYẾT ĐỊNH PHẢI CHỐNG THAM NHŨNG HAY KHÔNG?
Xin vào trang Web này > http://www.dddcvn.org/

Mơ hồ !

Một quốc nạn còn đáng lo ngại gấp bội tệ nạn tham nhũng
Nguyễn Viết Hùng (TP.HCM)
Thanh Niên
07:07' AM - Thứ bảy, 03/06/2006
Đó chính là hiện trạng giáo dục. Có ở đâu mà người dân phải kêu lên trên báo chí: "Con tôi khổ quá, ông Bộ trưởng Giáo dục ơi!"? Có bao giờ lại đổ đốn lắm bằng cấp "tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi" đến như bây giờ? (1)
Có tiến sĩ dạy đại học cho in giáo trình sai kiến thức cơ bản, có thầy giáo vòi tiền "mãi điểm" thi của sinh viên, rồi những kẻ dùng bằng-lái-mua gây tai nạn giao thông chiếm kỷ lục thế giới; có kẻ mang danh trí thức, nghệ sĩ mà đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh không còn biết xấu hổ là gì... Để xảy ra tình cảnh đáng sợ đó có trách nhiệm của hệ thống giáo dục không? Chắc chắn là có.
Điều căn dặn được nhấn mạnh "là một việc rất quan trọng và rất cần thiết" trong di chúc của Hồ Chủ tịch về việc "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau", nỗi khắc khoải trước ngày mất của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về sự xuống cấp nghiêm trọng của giáo dục, là những chỉ giáo chiến lược, tầm lo âu về đại sự quốc gia. Lẽ ra, chúng ta, đặc biệt những vị có thẩm quyền chức năng, phải có những quyết sách thực tiễn hiệu quả, chứ không chỉ tốn công của vào những văn bản mỹ tự suông, những đối phó bị động tạm bợ, "cải tiến" quẩn quanh kiểu con kiến leo cành đa cụt như bấy lâu nay!
Một thầy giáo Việt kiều, vốn quen cung cách làm ăn nghiêm chỉnh, được mời về thỉnh giảng ở ta, nhận ra ngay thảm trạng của lối học rập khuôn sáo vẹt (replicant model) đó: "Ở giảng đường Việt Nam, tôi có hỏi thế nào, các em cũng không trả lời, không thích hoặc không dám trả lời, mặc dù tôi chỉ hỏi sự tiếp thu của các em về phần tôi đã giảng. Có những chủ hãng kinh doanh nước ngoài cho tôi hay là họ phải phỏng vấn hàng trăm sinh viên Việt Nam, may ra mới chọn lấy một người có thể làm việc được. Đó là một thực tế lãng phí con người, lãng phí chất xám và thời gian không thể chấp nhận được!". (2)
Thiết nghĩ, phải nhớ bài học lịch sử cứu nước trước đây: cần huy động tổng lực dân tộc vào cuộc, cần một Diên Hồng giáo dục thực sự, chứ không
Trước mắt, cần có ngay cuộc cách mạng về đề thi và cách chấm thi. Hoàn toàn có thể chỉ đạo rất hiệu quả phương hướng giáo dục và phương pháp dạy học bằng nội dung và cung cách thi cử; trước hết, bằng những đề thi buộc học sinh phải thực sự động não và sáng tạo (tất nhiên, cần vừa sức họ và được chuẩn bị trước trong một năm học). Có thể tham khảo nhiều đề thi tú tài, đại học rất hay ở những nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Mỹ...
phải lối đánh trống bỏ dùi, bàn rồi để đấy. Diên Hồng này sẽ tập hợp những chuyên viên, nhà giáo (chú trọng những nhà giáo về hưu có tâm và có tầm), thức giả, phụ huynh, một số học sinh sinh viên thích đáng... thực sự quan tâm và có điều kiện đóng góp. Diên Hồng này sẽ cử ra một Ủy ban Diên Hồng giáo dục. Ủy ban này trực thuộc Thủ tướng; trước hết sẽ cử một nhóm tập hợp, chung đúc lại hàng ngàn ý kiến về giáo dục từ trước đến nay trên các cơ quan truyền thông và hữu trách, cả trong và ngoài nước. Chỉ riêng nội dung đúc kết này cũng đủ làm mấy luận văn tiến sĩ.
Đó chính là tận dụng chất xám và tâm huyết của toàn dân tộc. Không chỉ thu gom, mà còn xử lý hệ thống lại, rút từ đó ra những luận điểm, kiến nghị thích đáng nhất - từ chiến lược căn cơ lâu dài, đến giải pháp cấp thời trước mắt. Sau đó, Ủy ban sẽ đúc kết thành văn bản, cho in và phát đến từng trường học, phường xóm, để lấy ý kiến toàn dân, rồi đưa Quốc hội duyệt, Chính phủ bắt tay tiến hành. Điều cần nhất: chiến lược-giải pháp tâm huyết ấy của toàn dân phải được thực thi nghiêm chỉnh, định rõ hạn kỳ kiểm tra, đánh giá, báo cáo lại trước Quốc hội và toàn dân...
Xin nhắc lại: ta cần tiếp tục chống tham nhũng và các tệ nạn khác. Thế nhưng, giải pháp căn cơ, bài bản phải là giải pháp giáo dục. Chính vì giáo dục xuống cấp, không làm nổi sứ mệnh trồng người có bản lĩnh nhân văn và năng lực thực tiễn, nên đã cung cấp cả con mồi - nạn nhân lẫn thủ phạm đồng lõa cho mọi tệ nạn xã hội đủ dạng ngày nay - từ tham nhũng, hành dân, tàn phá môi sinh đến đua đòi ăn chơi "hít, lắc", cá độ cả màu cờ sắc áo quốc gia...
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, sứ mệnh nền móng, cho hệ quả trăm năm, thế mà lại đang trong hiện trạng báo động đỏ!
Hãy bắt tay vào làm, và phải làm đến nơi đến chốn!
________________________________________
(1) Chỉ xin dẫn một ví dụ, có thể thấy ở hầu hết các kỳ thi của ta hiện nay: Một trường ở Thanh Hóa thi tú tài đỗ 90%. Mấy ngày sau, cho cùng đề đó nhưng coi nghiêm túc như thi đại học, kết quả đạt chưa đầy 20% (Báo Tuổi Trẻ, ngày 5/11/2002).
(2) GS Ngô Vĩnh Long, GS về Á Đông và Kinh tế phát triển của Đại học tổng hợp Maine ở Mỹ, GS thỉnh giảng ở ĐH Bách khoa Hà Nội.
Nguồn: Thanh Niên

Nói trạng !

Sự kiện & dư luận
Từ hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” đã chỉ rõ: “Tham ô là trộm cướp... Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân...
Không lẽ bó tay?
Từ hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” đã chỉ rõ: “Tham ô là trộm cướp... Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân...
Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám...”. Cũng xin được lưu ý: nửa thế kỷ trước, nạn tham nhũng mới chỉ nảy mầm mà Hồ Chủ tịch đã đặt vấn đề nghiêm trọng như vậy, huống chi khi nó đã thành “quốc nạn” như hiện nay!
Với “kẻ thù khá nguy hiểm” (hiện nay hẳn phải là “đặc biệt nguy hiểm”) thì thiết nghĩ bộ chỉ huy phải có đối sách đặc biệt mạnh mẽ, sắc sảo, quyết đánh thắng như chúng ta đã từng thắng giặc ngoại xâm, chứ không thể “nói nhiều mà làm ít. Chỗ nào cũng hô, ông bà nào cũng hô hào nhưng chống thì trì trệ... Cứ nói tham nhũng tràn lan mà không ai làm. Phải chỉ ra chứ, đánh vào không khí là không được đâu...”, như đồng chí Nguyễn Minh Triết - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - vừa phát biểu với PV TS tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội (TS ngày 4-6-2004).
Quả là với cách thức đối phó như hiện nay, chúng ta đã “đánh vào không khí” sau nhiều cuộc thanh tra, nhất là đối với các công trình xây dựng cơ bản. Có ai đánh địch, đợi địch rút hết về trong những “lâu đài” nguy nga bất khả xâm phạm mới đưa quân đến? Những kẻ ăn cướp, nhận hối lộ trong các dự án không ai dại ký giấy biên nhận (vụ Lã Thị Kim Oanh đã chứng tỏ điều đó) và rất giỏi xóa vết tích. Nếu chẳng may lộ mặt thì vì cớ này cớ nọ được nương nhẹ, áp dụng hình thức “xử lý nội bộ”, cách chức cho “hạ cánh an toàn”.
Một đất nước từng đánh thắng những đế quốc hung bạo không lẽ lại bó tay trước kẻ thù này? Trước tầm mức nghiêm trọng của tệ nạn này, đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế và luật pháp, nhân dân mong mỏi bộ chỉ huy tối cao của đất nước - cụ thể là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ - phải mạnh tay hơn nữa, phải có những biện pháp kiên quyết, hữu hiệu hơn nữa.
TRUNG SƠN
Thành lập ủy ban quốc gia chống tham nhũng
Đành rằng tham nhũng bị phanh phui từng vụ việc, từng địa chỉ cụ thể, nhưng cứ thế dồn dập, chưa xong vụ này đã đến vụ khác, qui mô cứ lớn dần và tính chất ngày càng nghiêm trọng, đến mức dư luận xã hội "qui nạp" chung thành cụm từ "mấy ổng tham nhũng quá trời". Nguy hiểm là ở chỗ đó!
Phải thành thật nhận rằng pháp luật của ta chưa đồng bộ, chưa đủ sức răn đe, các qui chế dân chủ trong cơ quan, trong doanh nghiệp chưa đủ sức phanh phui ngăn chặn tham nhũng. Hệ thống đề bạt tiến cử nhân sự cao cấp nắm những vị trí trọng yếu về vật chất của xã hội theo "qui trình" xưa nay chưa thu thập được nhiều ý kiến của quần chúng.
Quần chúng trong những lúc bức xúc hay những lúc trà dư tửu hậu có những ý kiến nhận xét, bình luận tỏ ra biết rõ về nhân thân, đường đi nước bước, hành vi trong công việc và cuộc sống đời thường của các vị này. Những ý kiến đó hoàn toàn có giá trị tham khảo.
Đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, đặt lại vấn đề thành lập một tổ chức có thẩm quyền cao nhất - ủy ban quốc gia chống tham nhũng - gồm những người trong sạch có tâm huyết, xả thân, hoạt động tương đối độc lập... thực hiện sứ mạng thiêng liêng chống tham nhũng. Có như vậy mới mong càng ngày càng giảm bớt, đi đến triệt tiêu những vụ tham nhũng động trời ở tầm cao, đẩy lùi quốc nạn.
DIÊP VĂN SƠN
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan
Lâu nay các cơ quan, đơn vị đều có ban chỉ đạo chống tham nhũng do thủ trưởng cơ quan làm trưởng ban, nhưng không có vụ việc tham nhũng nào được phát hiện từ các ban này! Hầu hết đều do các cơ quan thanh tra, điều tra, báo chí phát hiện.
Còn quá ít những vụ việc mà người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm như vụ việc nhân viên thủ quĩ tại Công ty Cấp nước TP.HCM biển thủ hơn 3 tỉ đồng dẫn đến giám đốc công ty bị cách chức, hay như vụ việc thâm lạm công quĩ tại Sở Lao động - thương binh & xã hội khiến giám đốc sở phải từ chức, vụ bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bị kỷ luật vì không làm tròn trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong bộ!
Gần đây, những câu trả lời của các vị đứng đầu đơn vị trong các ngành như bưu điện, y tế và hải quan đã làm dư luận rất bất bình khi các vị này phát biểu phủi bỏ mọi trách nhiệm với cương vị của mình. Các vị đều cho rằng không hay, không biết những tiêu cực xảy ra khi công luận nêu lên. Hay như ông bộ trưởng Bộ Bưu chính - viễn thông lại phát biểu gây bất bình công luận rằng: "...cứ đúng theo những gì thanh tra kết luận thì có mà đi tù hết!".
Các vị thủ trưởng cơ quan khi phát biểu đều mạnh miệng đề cao quan điểm: có chứng cứ đến đâu xử lý đến đó, cá nhân nào sai phạm kiên quyết xử lý cá nhân đó. Nhưng đây là quan điểm và nguyên tắc của các cơ quan tố tụng khi thi hành pháp luật. Còn trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong việc xử lý sai phạm của cấp dưới ít ai đặt ra. Vì sao có tình trạng này? Do nể nang, do thân tình hay do biết "chạy" sếp trên? Theo chúng tôi, đó đều là những nguyên nhân nhưng chính yếu nhất vẫn là chúng ta chưa thực hiện được qui chế trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Thẳng thắn mà nói, cơ chế điều hành, quản lý của chúng ta thực hiện nghiêm nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, nhưng chúng ta chưa làm tốt nguyên tắc: cá nhân chịu trách nhiệm. Khen thưởng thì cá nhân được nhận lãnh, nhưng sai phạm lại thuộc về trách nhiệm của tập thể? Đó chính là kẽ hở trong công tác quản lý đơn vị, đấu tranh với tiêu cực.
V.SƠN

Khó lắm !

Muôn trùng khó cho người tố giác

Người dân sợ rước họa vào thân khi chưa thấy cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng phát huy hiệu quả. Cán bộ cũng chẳng dại gì trở thành “kẻ phá rối, phá hoại đoàn kết nội bộ”…

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhấn mạnh cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin tố giác tham nhũng và xem đây là nội dung rất quan trọng để thúc đẩy người dân, cán bộ, công chức tố giác tham nhũng. Nhưng thực tế cho thấy có độ chênh lớn từ quy định của pháp luật đến thực tiễn bảo vệ nguồn tin tố giác tham nhũng.

Dân: Sợ rước họa vào thân

Điều 10 Luật PCTN quy định rất rõ rằng: Việc “đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng” là hành vi bị nghiêm cấm. Tinh thần chung của luật này và nghị định hướng dẫn cũng cho thấy tố giác tham nhũng là quyền và trách nhiệm công dân, quyền ấy được pháp luật bảo vệ. PGS-TS Bùi Đức Kháng, Học viện Chính trị-hành chính quốc gia TP.HCM, nhận xét: “Ở ta chẳng thiếu một cơ chế nào để bảo vệ người tố giác tham nhũng cả. Nhưng điều quan trọng là ta có làm và làm có đúng như luật định không thôi”.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, chủ nhiệm đề án Nâng cao năng lực PCTN của các tổ chức xã hội và người dân, cũng nhìn nhận: “Cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng là không thiếu nhưng các cơ quan có trách nhiệm trong vấn đề này đã không thực hiện tốt. Một khi người dân không thấy mình được bảo vệ thì dẫn tới việc họ thờ ơ với tố giác tội phạm tham nhũng. Người dân biết nhưng họ không nói nữa, họ sợ mang họa vào thân”.

Ông Lê Xuân Mậu, cán bộ Tổng công ty dâu tằm tơ Lâm Ðồng báo cáo thành tích chống tham nhũng tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Cán bộ: Dại gì thành “kẻ phá rối”

Tham nhũng là một loại tội phạm tiềm ẩn và rất khó phát hiện. Việc tự phát hiện của các cơ quan, đơn vị càng khó hơn nhiều. Theo TS Lê Văn In, chuyên gia hành chính, cán bộ không ai là không biết và không nhận dạng được tham nhũng nếu nó xảy ra ở cơ quan mình. “Nhưng tham nhũng trong cơ quan thì chỉ người có chức, có quyền mới thực hiện được. Khốn nỗi, “cái đầu mối” để thông tin tố giác lại chính là những người đứng đầu cơ quan (thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo chi bộ). Trong cơ quan có lực lượng thanh tra nhân dân nhưng “ông” này muốn thanh tra gì thì cũng cần có sự đồng ý của lãnh đạo. Giờ đặt vấn đề người lãnh đạo có tham nhũng hoặc liên quan đến đối tượng tham nhũng thì làm sao tố đây?” - ông In phân tích.

Ông In bổ sung: “Cứ nhìn những cán bộ đã từng tố cáo tham nhũng mà xem. Họ chịu gánh nặng tâm lý rất lớn. Trong cơ quan gần như xem họ là “người phá rối” đoàn kết nội bộ. Họ phải chịu sự lạnh nhạt trong quan hệ công việc, chịu nhiều lời ra tiếng vào, thậm chí, trù dập, trả thù. Có người ủng hộ thì cũng chỉ “nói cho nhau nghe” chứ có ai dám ủng hộ công khai… Chính vì thế sẽ như đâm đầu vào tường nếu tố giác tham nhũng trong chính cơ quan mình” - ông In kết luận.

Ngồi chơi xơi nước

“Lúc tố cáo tham nhũng của cấp trên, tôi cũng từng bị “ngồi chơi xơi nước” trong một thời gian. Tôi cũng từng bị nhiều người khác chỉ trích kiện tụng để phá hoại đoàn kết nội bộ cơ quan. Rất may là sự vụ đã được các cơ quan trung ương quan tâm giải quyết đến cùng.”

Ông Lê Xuân Mậu, cán bộ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị tuyên dương các cá nhân có thành tích trong PCTN tổ chức tại TP.HCM ngày 4-6-2009

Hình thức trả thù tinh vi lắm!

“Người tham nhũng có chức vụ, quyền hạn, do vậy hình thức trả thù cũng rất tinh vi. Vì vậy, người tố giác luôn bị đe dọa về thân thể, bị phân biệt đối xử, bị vu khống là làm mất đoàn kết, gây rối nội bộ.

Hiện nay có rất nhiều quy định nhưng lại chưa thực sự bảo đảm an toàn cho người tố giác. Phải tìm mọi cách để bảo vệ an toàn cho họ thì mới nâng cao được hiệu quả PCTN.”

Ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, phát biểu tại Hội nghị tuyên dương gương chống tham nhũng ngày 15-12-2009

Làm gì đươc !

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương của Việt Nam hồi giữa tháng này nói rằng 'tham nhũng được kiềm chế và giảm', theo truyền thông trong nước.

Nhưng các con số cũng do truyền thông trong nước trích đăng nói số vụ tham nhũng tăng gần 2,5% và số người nghi tham nhũng tăng gần 1,5%.

Bà Lê Hiền Đức, 80 tuổi, là người đã được cả Việt Nam và quốc tế vinh danh vì có công chống tham nhũng. Bà nói chuyện với Nguyễn Hùng khi được biết các thống kê mới về tham nhũng:

"Theo tôi thì con số đó là do các vị ở trên nghe báo cáo rồi tổng hợp, đúc kết thôi. Còn sự thật nếu qúy vị trực tiếp lắng nghe dân, mà cụ thể tôi là người thay mặt dân tôi xin gặp chỗ nọ, xin gặp cơ quan kia, cán bộ cấp này, cấp khác để báo cáo kiến nghị những việc tham nhũng, tiêu cực của các ngành, các cấp kéo dài bao nhiêu năm nhưng không được giải quyết, tôi xin gặp nhưng rất khó khăn.

"Chỉ có một số ông cán bộ nghiêm túc, liêm khiết lắng nghe. Còn số lớn, các cấp, đặc biệt là các cấp trung gian thì nó bao che cho nhau, nó bảo kê cho nhau, không thể nào cựa được... Bởi vì há miệng mắc quai, bởi vì chính họ cũng dây chuyện này, dây chuyện kia."

Nhân dân hỏi bà chống tham nhũng thế nào mà chẳng thấy lay chuyển gì cả...

Bà Lê Hiền Đức

"Hiện nay trong nhà tôi đơn từ của nhân dân 63 tỉnh thành phố đầy đủ các mặt, đất đai, nhà cửa, các ngành, các cấp, ngành nào tôi cũng nhận được đơn tố cáo hết, hàng không, bưu điện...

"...Vụ PCI thì hiện nay cứ chìm vào im lặng. Nhân dân hỏi bà chống tham nhũng thế nào mà chẳng thấy lay chuyển gì cả, nhưng bà con không hiểu cho tôi rằng một mình cái bà già này lên tiếng thì rất khó.

"Tôi là một trong 10 người được nhà nước vinh danh chống tham nhũng nhưng bây giờ gọi đến đâu (người ta) cũng trốn tôi.

"Tôi gọi cho ông Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền thì ông Truyền bảo tôi là 'cơ quan chúng tôi làm việc theo sự chỉ đạo của chính phủ vậy thì cái gì cũng phải qua báo cáo lên chính phủ cả.'

"Trong nhà tôi hiện nay có nhiều vụ, hàng mấy trăm vụ, thì thanh tra nhà nước cũng đã đến nhà tôi chở đi hồ sơ của 214 vụ rồi, tôi vẫn đang theo dõi nhưng chưa thấy thống báo nào gửi tôi là việc này, việc kia đã được giải quyết.

"Có những việc dân đi kiện, người ta đi kiện từ năm 27 tuổi và bây giờ là 54 tuổi rồi, quá nửa đời người. Thế mà dân vẫn kiên trì nhưng vẫn không được giải quyết."

Đất đai và giáo dục

"Hiện nay nặng nề nhất là vấn đề đất đai và nữa là tiêu cực nhiều nhất là trong ngành giáo dục. Về đất đai, có những vụ nhân dân đã gửi tới hàng ngàn lá đơn chưa được giải quyết. Hôm tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, bà con nông dân Long An, cái tỉnh có rất nhiều chuyện về đất đai, người ta mất bao nhiêu công khai hoang (từ) cái thời mới giải phóng Miền Nam, bao nhiêu năm trồng cấy, sinh sống, bây giờ thu hồi và đền bù với giá rất rẻ. Nói là dự án này, dự án kia, nhưng không phải dự án gì hết mà họ chia lô, họ bán cho nhau.

"Tôi đã đi vào một vài tỉnh miền Nam tôi điều tra thì nó như vậy đấy. Dân khổ quá mức rồi. Có những người gọi điện thoại cho tôi 12h đêm nói 'Cụ ơi, cụ cứu chúng con với, ngày mai họ đến họ cưỡng chế rồi'. Nhưng thưa anh có dự án gì đâu, toàn chia lô bán cho nhau thôi.

"Về giáo dục thì tiêu cực kinh khủng. Những người họ có quyền, có chức, trưởng phòng giáo dục còn cầm đầu đường dây chạy trường.

Họ còn bảo nếu thích đi kiện thì 'sẽ chỉ đường cho đi kiện', thích thì kiện lên Obama.

"Rồi thậm chí còn đưa việc chạy trường này ra bàn tập thể với nhau. Điều này do một ông chủ nhiệm ban kiểm tra đảng của thành phố Hồ Chí Minh đã gặp tôi hôm 19/11 trao đổi và thông tin cho tôi nên tôi mới biết vấn đề này. Ông nói và tôi đã ghi lại 'thành phố Hồ Chí Minh có hơn 20 quận huyện, chỉ có sáu huyện xa xôi quá không có trường hợp chạy trường'. Vậy thì chạy trường này nó trở thành chuyện đương nhiên, không ai giải quyết được hết.

"Một thầy giáo, đứng ra tố cáo đường dây chạy trường, hàng ngàn đô để vào một suất học... bị cấp trên của anh ấy không phân công đứng lớp, nói một cách vui đùa là 'mất dạy', không được dạy nữa. Trong khi đó 28 năm người thầy này dạy tốt, học sinh thi đỗ kết quả cao, là đảng viên tốt.

"Nay mai sắp tới đây có thể phải đuổi ra khỏi ngành, bị trù dập và thi hành kỷ luật đảng nữa.

"Đó là thầy giáo Phan Văn Hướng, giáo viên Trường Phổ thông Trung học Cơ sở Hồng Bàng, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh đã tố cáo đường dây chạy trường từ niên học 2004-2005.

"Có danh sách trong tay tôi đây này, toàn con ông, cháu cha và mấy chục triệu vào một suất cả, hơn 200 suất tất cả, ... nếu chạy như thế thì con em nhân dân nghèo làm gì có chỗ học nữa.

"Tôi đã phải cắn răng mua vé máy bay bay vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu trường hợp này và thực chất cho đến bây giờ thì thầy giáo tố cáo này không được dạy nữa... và thầy ấy đang khiếu nại. Như thế nó bất công quá.

"Họ còn bảo nếu thích đi kiện thì 'sẽ chỉ đường cho đi kiện', thích thì kiện lên Obama."

'Gian dối'

Tối nay (15/1/2010), lúc 8h thì có một cháu sinh viên đến khóc lóc với tôi: 'Bà ơi bà, cháu biết chuyện này và định tố cáo từ cách đây hai năm, nhưng cháu đang là sinh viên của Đại học Ngoại thương nên cháu không dám nói sợ bị ảnh hưởng đến kết quả của cháu.

Thư của Thanh tra Hà Nội và Bộ Giáo dục trả lời bà Lê Hiền Đức

Bà Lê Hiền Đức nói bà không hài lòng với cách giải quyết của Thanh tra Hà Nội và Bộ Giáo dục

"Nhưng hôm nay cháu đến cháu trình bày với bà, bây giờ mỗi một học kỳ là trưởng lớp phải đứng ra thu mỗi người mấy chục nghìn, mấy trăm nghìn để gom lại, đưa cho thầy giáo dạy bộ môn này hay chủ nhiệm khoa kia để xin điểm. Thế thì thưa anh thì còn gì là chất lượng nữa.

"Rồi một viên hiệu trưởng, kiêm bí thư chi bộ mà gian dối về bằng cấp.. nhưng bây giờ vẫn nhơn nhơn, vẫn là hiệu trưởng, mặc dù tham ô, tham nhũng của học sinh rồi, nhả tiền ra trả rồi nhưng kỷ luật thì tôi nói là chỉ là phủi bụi.

"Từ hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc quận Cầu Giấy chuyển sang là hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên, vẫn là quận Cầu Giấy.

"Cái Quận Cầu Giấy, ông bí thư huyện ủy biết bao tội trong quận, tôi báo báo với thành ủy từ ba năm nay rồi nhưng tháng Tám vừa rồi, nhân dân thanh niên hay dùng từ là 'đã bị bật bãi', tức là chuyển đi nơi khác rồi.

Bí thư Thành ủy nói với tôi một câu qua điện thoại 'Bác ạ, bác cứ yên tâm. Bất cứ cấp nào, chức vụ gì, nhưng nếu sai phạm thì Đảng cũng xử lý.

"Tôi nói với bí thư thành ủy rằng nếu những cán bộ thành ủy viên hay cấp nọ, cấp kia có sai phạm mà các đồng chí lãnh đạo thành ủy không xử lý thì chính các đồng chí bôi nhọ vào mặt đảng đấy.

"Thì anh Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy nói với tôi một câu qua điện thoại 'Bác ạ, bác cứ yên tâm. Bất cứ cấp nào, chức vụ gì, nhưng nếu sai phạm thì Đảng cũng xử lý. Tôi rất tin tưởng câu nói ấy của đồng chí bí thư.

"Tháng Sáu tôi gọi điện hỏi đồng chí Bí thư thì tháng Tám cái ông bí thư quận ủy ấy đã được chuyển đi nơi khác. Tôi gọi đây là một kẻ bảo kê cho chuyện tham nhũng, cụ thể là bảo kê cho cô hiệu trưởng đó. Vậy tôi nói bất cứ cấp nào tham ô, tham nhũng nó cũng có ô dù cả.

"Ở đây là bí thư quận ủy và cả chánh thanh tranh Hà Nội nữa, hàng bao nhiêu cú điện thoại gọi nhưng không bao giờ tiếp tôi. Và thực tế thì thành ủy cũng đã chuyển chỗ (chánh thanh tra Trần Văn Trực) rồi.

"Hôm nọ tôi có nói với thứ trưởng giáo dục, những chuyện về cái cô hiệu trưởng gian dối bằng cấp này, một trẻ con lớp một cũng có thể hiểu được. Hai năm đang làm hiệu trưởng, suốt cả thời gian ấy..., có làm mới chỉ đạo ăn bớt tiền ăn của học sinh, có ăn bớt thì mới có chuyện nhả tiền ra trả, rồi có tội mới bị kỷ luật, chứng tỏ đang làm hiệu trưởng suốt hai năm liền. Mà chính hai năm ấy lại đang đi học cao học (tập trung) để lấy bằng cao học."

"Chuyện này là chuyện nhỏ thôi, nhưng nó thể hiện sự bao che. Đã tham nhũng, đã tiêu cực thì bất kể chuyện gì tôi đã nhúng vào là tôi phải tìm ra lẽ phải," bà Lê Hiền Đức nói.

Câu đối chuẩn

Trọc phú vùng nọ bày trò kén rể, mục đích lão ta tìm rể văn hay - chữ tốt. Thanh niên quanh vùng nhiều người đến thử tài ứng đối, song cuối cùng chẳng ai làm cho trọc phú hài lòng.
Hôm nọ, có một chàng trai con nhà nghèo, gương mặt tuấn tú đang mang tơ đi bán để kiếm tiền ăn học. Nghe tin này, cậu ta liều mình thi thố, may ra thoát cảnh cơ hàn.
Trọc phú ướm lời: Nếu đối được ý ông, con khỏi phải bán tơ. Đoạn, ông gọi con gái ra và rót rượu vào ly. Cô gái vừa rót xong, ông liền đọc vế đối:
Gái rượu rót rượu mời trai, say rượu cứ say, đừng say gái rượu.
Chàng trai, tay cầm ly rượu, mắt sáng long lanh, ứng đáp:
Trai tơ mang tơ tặng gái, quấn tơ cứ quấn, đừng quấn trai tơ trai tơ.
Lão trọc phú há hốc mồm vì vế đối quá chuẩn. Lão phấn khích vỗ đét vào đùi một phát:
Quá tuyệt ! Nâng ly ! Dzô !

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Tham nhũng

Thời gian qua, từ TW đến dịa phương, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin và đăng bài chống tham nhũng. Tuy nhiên, vụ sau được phát hiện to hơn vụ trước. Không những thế, tham nhũng đi vào từng ngóc ngách của xã hội, có sự móc nối rất chặt chẽ đồng thời không để lại dấu vết. Việc phát hiện, điều tra, xử lý theo kiểu đầu voi đuôi chuột nên cuối cùng "mèo lại hoàn mèo". Bótay.com